Làm sếp, đôi lúc tôi nghĩ đó là một nghề. Một nghề đòi hỏi người ở vị trí đó phải đánh đổi về tiền bạc, về công sức và đặc biệt là về thời gian. Nhiều người nói với tôi rằng, làm sếp chắc là rảnh lắm, thấy hay đi tụ tập bạn bè, hai đi học hành, du lịch khắp nơi… Khi nghe những điều đó, tôi lại soi chiếu vào hành trình mình đã trải qua, rồi cười và muốn hỏi lại rằng: Làm sếp có rảnh không?
Tuần rồi tôi gặp chị bạn rất thân thiết, chị nói “Tao chán làm thuê rồi, tao tính mở phòng tập Gym”.
Tôi cười rồi hỏi lại : Sao chị thích làm riêng?
“Tao mê Gym và muốn mở làm riêng để có nhiều thời gian rảnh, để chủ động hơn. Chứ tao đang làm thuê, tiền cũng khá nhưng tao thấy đi về sớm hôm vất vả quá.”
Đó là đầu câu chuyện của hai chị em tôi, chuyện còn dài. Phụ nữ mà, gặp nhau thì có bao giờ hết chuyện. Nhưng những gì chị kể về dự định của bản thân, khiến tôi nhớ về nhiều điều đã từng làm mình trăn trở. Về kinh doanh, về tự chủ, về làm sếp. Tôi chợt nghĩ rằng đây có khi chẳng phải vấn đề của riêng tôi, vì ngoài kia, còn rất nhiều người – tôi có thể biết hoặc là không – đều muốn tự kinh doanh chỉ vì lý do việc đó giúp họ có nhiều thời gian rảnh hơn cho cuộc sống.
Làm sếp bận lắm.
Tôi là một người sếp, tôi hiểu rõ công việc của một người sếp sẽ trải qua trong 24 giờ một ngày. Bạn biết không, nếu một công ty có khoảng dưới 20 người, hầu như bất cứ việc nào cũng phải qua tay sếp. Nếu công ty khoảng 50 đến 100 người, phần lớn công việc đều phải đặt dưới sự quản lý trực tiếp của sếp. Nếu một công ty hàng trăm người, bạn làm sếp, dù không trực tiếp tham gia vào mọi việc, bạn cũng cần ở đó để kiểm soát mọi việc của các phòng ban và bộ phận. Quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự không đơn thuần chỉ được xử lý qua một email hằng ngày. Đó là khối lượng không giới hạn cho một chuỗi các công việc nối tiếp nhau, mà tất cả đều bắt buộc người làm sếp phải xử lý.
Hai mươi tư giờ một ngày, trước đây của tôi là hai mươi tư giờ đằm mình trong hàng tá những công việc. Vì tôi không chỉ làm sếp, tôi còn làm vợ, làm mẹ nữa. Nói như cách người ta vẫn thường nói: “Trăm dâu đổ đầu tằm”. Một người sếp tốt, không phải là một người chỉ tay giao việc, họ phải tham gia vào từng chi tiết nhỏ nhất của cỗ máy để đảm bảo nó vận hành trơn tru. Nhiều người nhân viên, than rằng một ngày tám tiếng của họ bận rộn quá. Sếp không làm tám tiếng, chỉ trừ thời gian ngủ, còn lại họ không biết chắc rằng mình sẽ làm bao nhiêu tiếng mỗi ngày.
Tôi còn nhớ nhiều lần mình ngồi trong văn phòng làm việc, dưới bảng tên Giám đốc. Tôi ở đó, chỉ ngồi như vậy, không biết mình cần làm việc gì tiếp theo. Nhưng tôi phải ở đó, để đề phòng mọi việc và đảm bảo mọi thứ vẫn vận hành trơn tru nhất có thể. Đó là bản năng cảnh giác của một người phụ nữ làm sếp, và tôi tin, khi làm sếp, bản lĩnh của một người cũng thể hiện qua việc họ biết cách dự phòng và có nhiều hơn một phương án.
Vậy làm sếp có rảnh không?
Tôi nghĩ là có. Bạn có thắc mắc không?
Thắc mắc vì sao tôi vừa liệt kê hàng tá công việc trong một ngày của sếp, nói rằng nó chiếm thời gian đến thế nào, nói rằng dù chẳng có việc gì thì bạn vẫn phải ngồi trong văn phòng để đảm bảo mọi việc vẫn ổn định… Nhưng tôi vẫn cho rằng, làm sếp thì có rảnh đấy. Các bạn đều thấy, nếu chỉ đứng và nhìn bên ngoài, các sếp đúng là rảnh thiệt. Họ thường đi cafe, đi picnic, đi du lịch dài ngày… Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng, như cách so sánh trong nguyên lý tảng băng trôi của đại văn hào Ernest Hemingway vậy. Chỉ là 30% của một vấn đề mà thôi. Tôi biết, vì tôi làm sếp, và tôi đã từng trải qua như vậy.
Rằng để sắp xếp được một buổi đi cafe, đi chơi với gia đình, bạn bè thì các Sếp phải sắp xếp công việc trước đã, chứ không bao giờ thoải mái để gửi một tin nhắn “Ok” mà chẳng hề mảy may suy nghĩ. Cuộc hẹn cà phê của hôm nay, có thể đã nằm trong lịch trình được chuẩn bị và dự phòng từ hàng tháng trước đó. Không hề dễ dàng đâu. Và còn những chuyện đằng sau nữa chứ, một giờ nghỉ ngơi, là một giờ tạm gác lại công việc mà thôi. Tạm gác có nghĩa là để đấy, làm sau, chứ không phải bỏ luôn. Vì đâu có ai làm thay được công việc của một người sếp trong doanh nghiệp, có những chuyện, phải tự tay họ làm.
Đó là lý do, đằng sau những những buổi cà phê, những chuyến picnic, những chuyến du lịch, là những đêm các sếp gần như thức trắng để làm bù, để kiểm tra, để đảm bảo mọi thứ diễn ra vào thời gian mà họ đã dành để nghỉ ngơi vẫn ổn. Công việc của một sếp là vậy, nó không tự sinh ra, không tự mất đi trong quãng thời gian nghỉ ngơi. Nó vẫn còn đó, chờ họ xử lý một cách gọn gàng.
Điều đặc biệt, khiến cho tôi nghĩ rằng làm sếp có thể gọi là rảnh chính là ở sự chủ động. Như cách người chị mà tôi từng đề cập trong phần đầu của bài viết. Chị muốn mở riêng một phòng gym, không hẳn vì tiền, không hẳn vì tham rảnh rỗi, mà đơn giản, chị muốn chủ động cho chính cuộc đời của mình. Rất nhiều những người làm sếp, họ bận trong hàng tá công việc, nhưng vẫn là người làm chủ được quỹ thời gian của mình để dành cho những thời gian mà người ngoài nghĩ là rảnh rỗi. Điều này, nếu bạn làm thuê cho một sếp nào đó, bạn sẽ không có được. Tôi vẫn nghĩ như vậy, dù bận đến đâu, dù nhiều việc đến cỡ nào, nhưng nếu bạn ở vị trí có thể chủ động sắp xếp quỹ thời gian cho công việc, nó nằm trong tay bạn, thì bạn thực sự sẽ hiểu cảm giác của rảnh rỗi.
Có người nói với tôi rằng, tại sao làm sếp lại bận được vì họ sẽ có đội ngũ nhân viên làm thay. Không đúng. Tôi biết và quen được nhiều người làm sếp, họ rất tài năng, họ xây dựng được hệ thống cho công ty có thể tự vận hành. Những người như vậy, đúng là có rảnh hơn thiệt, nhưng đó không phải là điều họ muốn, và cũng không phải vì thế mà họ dành hết thời gian cho các cuộc vui. Khi bạn đã xây dựng được một hệ thống, thì điều khó khăn hơn chính là duy trì sự ổn định của hệ thống đó. Làm sếp, không ai dám lơ là điều này, vì “kiếm củi ba năm, có thể đốt trong một giờ”. Cái số làm sếp, vì thế nó lận đận lắm. Hiếm có người làm sếp nào chịu ngồi yên để hưởng thụ sự rảnh rỗi đâu. Năng lực, chuyên môn, sự quan tâm với cái mà mình xây dựng luôn khiến họ “ngứa ngáy”, vì họ biết có nghỉ ngơi cũng chỉ là một chút thôi, còn quá nhiều việc phải làm.
Tôi nghĩ về bản thân mình. Lúc tôi bận rộn thì đúng là không thở nổi với hàng đống những hóa đơn, hợp đồng, gặp gỡ khách hàng. Nhưng lúc tôi biết mình cần chủ động cho sự nhàn rỗi, tôi sẽ sắp xếp được. Và tôi muốn, mọi thứ phải nắm được trong tay, trước hết chính là thời gian của chính mình. Tôi phải nhận rằng mình không giỏi gì hết, công ty chưa tự vận hành theo một hệ thống siêu việt được, mọi thứ còn rất lộn xộn. Nhưng may mắn, và cả niềm tin vào những thứ mà tôi đang có như nhân viên, trợ lý, các cách tôi kiểm soát thời gian giúp cho tôi yên tâm mà có thêm thời gian rảnh rỗi. Rảnh để biết mình cần gì, rảnh để hiểu về công việc của một người làm sếp, chứ cũng không hoàn toàn rảnh chỉ để nghỉ ngơi.
Vậy đấy, làm sếp rảnh hay bận rộn, tùy vào cách nghĩ của mỗi người. Người ngoài đánh giá, chỉ là 30% của phần nổi mà thôi. Hãy để bản thân chủ động, chúng ta sẽ có bận rộn, sẽ có rảnh rỗi. Với tôi, làm sếp sẽ không bao giờ là rảnh rỗi nếu chính mình không chủ động được thời gian. Điều đặc biệt, là việc làm sếp cho phép chúng ta ở vị trí chủ động được thời gian. Phần còn lại, thuộc về riêng bạn.
Mời bạn đọc thêm sách của Dung nhé!
Chuyên mục Làm Vợ: https://nguyenthihongdung.com/category/chuyen-lam-vo/
Chuyên mục Làm Mẹ: https://nguyenthihongdung.com/category/chuyen-lam-me/
Chuyên mục Làm Sếp: https://nguyenthihongdung.com/category/chuyen-lam-sep/
Chuyện khởi nghiệp: https://nguyenthihongdung.com/nguyen-thi-hong-dung-voi-cai-duyen-ve-bat-dong-san/